Quân khu 2 chiếm 2 phần 3 diện tích toàn quốc, dân cư thưa thớt
khoảng 3 triệu người trong đó 20% là đồng bào Thượng, QK-2 đất đai rộng
nhất nhưng dân cư lại thưa thớt nhất, Cao nguyên ít thu hút được đồng
bào lên định cư, năm 1972 các đơn vị Mỹ lần lượt rút khỏi cao nguyên.
Lực lượng Quân đoàn 2 gồm sư đoàn 22 BB (có 4 trung đoàn 40, 41, 42, 47)
Tư Lệnh Ðại Tá Lê Ðức Ðạt, Sư đoàn 23 (có 3 Trung đoàn 44, 45, 53), Tư
Lệnh Ðại Tá Lý Tòng Bá và 11 Tiểu đoàn BÐQ biên phòng đóng dọc theo biên
giới QK-2, Tư lệnh QK-2 Trung Tướng Ngô Dzu. Mùa thu năm 1971 có tin
CSBV sẽ tấn công Cao nguyên vào mùa khô, tình báo VNCH cho biết lực
lượng CS gồm Sư đoàn 320, Sư đoàn 2 và F10 được yểm trợ bởi Lữ đoàn 203
xe tăng và nhiều trung đoàn pháo, đây là lần đầu tiên VC xử dụng xe tăng
và đại bác tại cao nguyên. Cuối tháng 1-1972 ta phát hiện VC gia tăng
hoạt động trong Quân khu, địch đã đem đại bác tầm xa vào vùng Tam biên,
pháo đài bay B-52 và phi cơ chiến thuật đã oanh kích tối đa vào các mục
tiêu vừa phát hiện.
Quân đoàn 2 bắt đầu tăng cường phòng thủ Kontum và Pleiku. Bộ Tư lệnh
tiền phương Sư đoàn 22 được dời từ Bình Ðịnh lên Tân Cảnh -Dakto, Thiết
đoàn 19 kỵ binh cũng được tăng cường đến Tân Cảnh, Lữ đoàn 2 Dù được
tăng cường cho Quân đoàn 2. Các lực lượng của Quân đoàn 2 chuẩn bị chờ
VC. Ðịch tấn công căn cứ hoả lực Nhẩy Dù đầu tháng 4-1972 nhưng bị thảm
bại, Cộng quân bị tổn thất nhiều vì không yểm B-52 nhưng vẫn bổ xung,
Bắc Cao nguyên căng thẳng chờ trận xung kích của địch chắc chắn sẽ tiếp
theo Quảng Trị và Bình Long..
Cuối tuần thứ hai tháng 4 Tân Cảnh và Dakto gần như bị VC bao vây,
căn cứ Charlie bị pháo dữ dội sau đó là cuộc tấn công biển người vào căn
cứ do Tiểu đoàn 11 Dù trấn đóng. Mặc dù có máy bay yểm trợ dữ dội nhưng
vì VC quá đông tiểu đoàn Dù phải rút vào buổi tối, Tiểu đoàn trưởng
Trung tá Nguyễn Ðình Bảo tử trận, tuần sau căn cứ Dù Delta cũng bị tràn
ngập. Trung đoàn 42, 47 của Sư đoàn 22 BB phải rút từ Tân cảnh về Dakto
vì áp lực địch. Bộ chỉ huy Sư đoàn Dù và một Lữ đoàn được đưa về Sài
Gòn, Liên đoàn 6 BÐQ và Trung đoàn 53 được đưa lên thay Dù. Trong hai
tuần VC pháo Tân Cảnh-Dakto hằng ngàn quả mỗi ngày rất chính xác.
Ngày 23-4 cuộc tấn công bắt đầu, Sư đoàn 2 CSBV cùng 4 Trung đoàn độc
lập thuộc mặt trận B3 (Tây Nguyên) cùng với xe tăng, đại bác tấn công
Tân Cảnh, tại đấy lực lượng VNCH gồm Trung đoàn 42, hai pháo đội 105 ly
và 155 ly, 1 chi đội thiết giáp M-41, M-113, một Ðại đội công binh chiến
đấu. CSBV xử dụng hoả tiễn chống chiến xa AT-3 Sagger gây nhiều thiệt
hại cho các chiến xa M-41 của ta và phá hủy các công sự phòng thủ, các
xe tăng M-41 lần lượt bị bắn cháy, Trung tâm hành quân Sư đoàn cũng bị
trúng đạn bốc cháy, lực lượng VNCH phải tháo chạy, hệ thống truyền tin
bị thiêu hủy. Cố vấn Mỹ giúp đỡ cho mượn máy móc thành lập Trung tâm
hành quân mới.
VC gia tăng pháo kích, với sự yểm trợ của 18 chiến xa, địch tiến về
Dakto và Tân Cảnh, lực lượïng phòng thủ chống trả yếu ớt. Sau nhiều ngày
bị pháo và thiệt hại nặng, Trung đoàn 42 bảo vệ Bộ tư lệnh bị rối loạn
khi xe tăng T-54 tiến vào cổng doanh trại, toán cố vấn thoát vòng vây
lên được trực thăng. Ðại tá Tư lệnh Lê Ðức Ðạt, Tư lệnh phó Ðại tá Tôn
thất Hùng và vài sĩ quan tham mưu vẫn ở trong bộ chỉ huy, họ cố gắng phá
hủy máy móc và hồ sơ rồi nhân lúc trời đổ mưa đã trốn thoát nhưng chỉ
có Ðại tá Hùng về được Kontum số còn lại coi như mất tích hết. Tân Cảnh
là Trung tâm hành quân của Sư đoàn 22. Trung đoàn 47 VNCH tại Dakto 2
cũng bị tấn công dữ dội, chi đội Thiết giáp tại Ben Hét được lệnh tới
cứu nhưng bị lọt ổ phục kích VC, xe tăng bị bắn cháy hết. Bộ chỉ huy
Trung đoàn 47 phải rút dần dần. Dakto, Tân Cảnh bị mất, Cộng quân củng
cố căn cứ chiếm được, di chuyển 30 khẩu pháo của ta. Sư đoàn 320 CSBV
tiếp tục tiến đánh các căn cứ hoả lực còn lại, ngày 25-4 Tướng Ngô Dzu
ra lệnh cho hai căn cứ hoả lực 5, 6 di tản.
Mặc dù đã chiếm được các căn cứ phía Bắc, CSBV đã không lợi dụng được
thắng lợi này để tấn công vào Kontum mà phải đợi tới 2 tuần sau, nhờ đó
Sư đoàn 23 BB sau này đã tổ chức nội bộ, sắp xếp các đơn vị, hoàn chỉnh
kế hoạch phòng thủ.. Tại Bình Ðịnh Sư đoàn 3 BV chiếm quận Hoài An,
Hoài Nhơn, Tam quan. Tướng Ngô Dzu hối hận đã không tăng cường 2 trung
đoàn còn lại cho Ðại tá Ðạt, Tướng Dzu hiện đang lo sợ cho chính bản
thân mình tại Pleiku, vì mất tinh thần ông gọi điện thoại luôn luôn cho
Tổng thống Thiệu để xin lệnh.
Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Khu 2 (1972)
Bộ TTM và Tổng thống Thiệu coi Tướng Dzu không còn đủ khả năng của
một Tư lệnh và đã cử Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn lên thay ngày 10-5. Sau
khi chiếm Tân Cảnh, địch tiến về Komtum và bao vây cô lập thị xã này,
trong khi chiến trận bùng nổ nhiều nơi, tăng cường cho Kontum là điều
khó khăn. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 BB di chuyển 160 km từ Ban Mê Thuột đến
Kontum để chỉ huy các lực lượng tại đây và tổ chức cuộc phòng thủ thị
xã. Quân đoàn 2 đưa 4 tiểu đoàn BÐQ đóng tại Võ Ðịnh nằm ở 20 cây số
phía Tây bắc Kontum và dọc theo sông Pô Kơ phía Nam, một tiểu đoàn BÐQ
tăng cường trại biên phòng. Trung đoàn 53 (SÐ- 23) phòng thủ thị xã
trong khi Liên đoàn 2 và 6 BÐQ nhận nhiệm vụ đánh cầm chân VC trên quốc
lộ 14 phía Bắc Kontum. Máy bay chiến thuật cũng như B-52 đã dội bom đánh
phá các nơi địch tập trung quân. Ðại Tá Lý Tòng Bá Tư lệnh chiến trường
chỉ huy 2 trung đoàn 45, 53 của ông và các liên đoàn Dù, BÐQ… Những đơn
vị tăng phái thường giữ liên hệ với các đơn vị gốc nên quyền hạn của
ông ít được trải rộng. Tại Võ Ðịnh Lữ đoàn Dù được lệnh đưa ra QK1, Tiểu
đoàn BÐQ tại đây bị VC tấn công được lệnh di tản.
Các căn cứ biên phòng của BÐQ bị tấn công dữ dội nhưng vẫn đứng vững
nhờ yểm trợ của không quân Mỹ, ngày 6-5 Trung đoàn 64-CSBV có xe tăng và
pháo binh yểm trợ ồ ạt tấn công trại Polei Kleng khiến BÐQ phải rút ra
ngoài ngày 9-5, trong khi ấy B-52 vẫn yểm trợ gây tổn thất nặng nề cho
CSBV, BÐQ đã chống trả rất anh dũng, bắn hạ chiến xa địch và chiếm lại
căn cứ này. Khoảng ngày 7-5 Sư đoàn 23 BB đã hoàn tất phòng thủ trong và
ngoài thị xã, tạo một chu vi phòng thủ hình cung hướng Bắc và Tây Bắc,
ÐPQ phụ trách phía Nam và Ðông Nam. Ðại tá Lý Tòng Bá thân hành thị sát
tuyến phòng thủ cùng các sĩ quan tham mưu, kế hoạch yểm trợ hỏa lực và
phản pháo đã được thiết kế xong, các đơn vị thực tập sử dụng hoả tiễn
chống chiến xa M-72. Ngày 8-5 Tổng Tống Nixon ra lệnh cho không quân Mỹ
mở chiến dịch Linebacker để tiêu hủy tiềm năng chiến tranh của CSBV như
đánh phá cầu cống tại miền Bắc, máy bay F-4 Phantom xử dụng bom laser
bắn cháy các chiến xa CS tại miền Nam.
Thị Xã Kontum (1972)
Cuộc tấn công của CS vào Kontum có thể chia làm 2 giai đoạn: Từ 14-5
đến 17-5 và 18-5 tới 1-7. Sáng ngày 14-5 Cộng quân tấn công Kontum,
trong khi ấy tình báo kỹ thuật của Sư đoàn đã giải mã và biết trước trận
xung kích. Năm Trung đoàn Cộng quân tiến vào thành phố, từ hướng Tây
Bắc 2 trung đoàn 48 và 64 của BV tấn công trung đoàn 44 VNCH, từ Bắc
Trung đoàn 28 thuộc Mặt trận B-3 tiến về Nam đánh vị trí phòng thủ Trung
đoàn 45 của ta, Trung đoàn 1 CS tấn công Trung đoàn 53 VNCH, tại Bắc và
Ðông Bắc, Trung đoàn 141 VC từ Nam đánh lên Bắc vào các phòng tuyến ÐPQ
và Tiểu khu Kontum. Cuộc tấn công mở đầu bị bẻ gẫy, các chiến xa dẫn
đầu bị bắn cháy.
Trong những ngày kế tiếp Kontum bị pháo kích và tấn công rời rạc,
quân trú phòng chống trả nhanh nhẹn, tại Kontum Cộng quân gặp nhiều khó
khăn hơn tại Tân cảnh mấy tuần trước. Một tiểu đoàn VC chọc thủng tuyến
phòng thủ giữa 2 Trung đoàn của ta và tấn công liên tục, pháo binh VNCH
không chận đứng được cuộc tấn công. Tình thế rất nguy ngập có nguy cơ
sụp đổ phòng tuyến, lúc này chỉ còn trông cậy vào Máy bay chiến lược
B-52. Khoảng một giờ trước cuộc không tập, binh sĩ ta rút lui về phía
sau trong khi pháo binh tăng cường phản công. B-52 đã tới dội bão lửa
lên các vị trí đóng quân của CSBV, tiếng bom nổ long lở đất trời rung
chuyển cả thành phố, trận oanh tạc đã khiến cho hằng mấy trăm VC bỏ xác
tại chiến trường. Ðịch có ưu thế về quân số, xe tăng, pháo binh nhưng
vẫn thảm bại vì hoả lực không quân, pháo binh VNCH nhất là pháo đài bay
B-52, nếu không có B-52 trải thảm Kontum có thể bị nguy ngập. Ðại Tá Bá
khi ấy cho rút ngắn chu vi phòng thủ vì hiện đã quá rộng.
Lực lượng Cộng quân tuy thế vẫn còn mạnh, địch thăm dò để tấn công
tiếp rồi pháo kích dữ dội khiến cho phi cơ lên xuống khó khăn. CSBV
nghiên cứu tìm kẽ hở, tung đặc công vào thành phố. Cuối tuần lễ sau trận
tấn công đầu tiên, các nỗ lực của BV đều thất bại. Ngày 20-5 khi Cộng
quân chọc thủng tuyến nằm giữa 2 trung đoàn 44 và 53, Ðại Tá Bá đã điều
động chi đoàn thiết giáp M-41 vào chiến trường tiêu diệt địch cùng với
yểm trợ của không quân VNCH và B-52 của không lực Mỹ đẩy lui VC. Ngày
21-5 từ Pleiku Tướng Toàn đã điều động lực lượng khai thông Quốc lộ 14
từ Bắc tới Kontum, dân chúng được di tản khỏi Kontum về Pleiku, Kontum
không xẩy ra hỗn loạn, binh sĩ vẫn vững tinh thần
Di Tản
Ngày 25-5 Cộng quân mở nỗ lực cuối cùng tấn công Kontum, lúc nửa đêm
địch pháo dữ dội vào gần phi trường và phía Nam thành phố, hai tiểu đoàn
đặc công cùng với các thành phần xâm nhập lọt vào mặt Ðông Nam do ÐPQ
trấn giữ. Từ Bắc và Ðông Bắc bộ binh CS và xe tăng tiến vào thành phố.
Bộ chỉ huy Sư đoàn và các vị trí pháo binh VNCH bị pháo kích dữ dội. VC
chiếm một trường học, một chủng viện Công giáo, Tòa giám mục Kontum, đại
bác VC tàn phá thành phố kể cả súng 105, 155 lấy được của ta tại Tân
Cảnh, pháo kích địch chính xác làm tê liệt pháo của ta. Ngày 26-5 CSBV
tăng gia pháo kích và tấn công Trung đoàn 53 từ phía Bắc, các phi vụ
oanh tạc được điều động tối đa để yểm trợ cho Kontum khi “ tình trạng
khẩn cấp” được tuyên bố, 8 chiến xa và một tiểu đoàn bộ binh VNCH đẩy
lui một cánh quân VC.
Ðịch vẫn bám chặt vị trí nên hai bên vẫn dằng co đến hết ngày, trong
khi đó tiếp liệu bắt đầu thiếu hụt, các trực thăng khổng lồ Chinook đã
thực hiện tiếp tế tại sân banh và tải thương. Ðến tối trung đoàn 64 BV
lại mở cuộc tấn công vào giữa Trung đoàn 53 và 45, những trận oanh tạc
của B-52 khiến VC gặp khó khăn về tiếp liệu, Quân đôi VNCH chủ động phản
công chiếm lại bệnh viện, trường học, Kontum đã thoát khỏi vòng nguy
hiểm. Trong ngày 30-5, các vị trí do CS chiếm đã được lấy lại, Tổng
thống Thiệu bay vào thị xã vinh danh tinh thần chiến đấu của anh em binh
sĩ và thăng cấp Ðại Tá Lý Tòng Bá lên Chuẩn tướng.
Đại Tá Lý Tòng Bá (1972)
Trưa 31-5 Cộng quân rút lui để lại 3000 xác chết theo lời Tướng Bá,
mấy chục chiến xa bị bắn hạ, nỗ lực cuối cùng của Cộng quân bị thảm bại.
Theo sự ước lượng của tình báo Mỹ Cộng quân đã bị thiệt hại khoảng từ
20 cho tới 40 ngàn cán binh tại mặt trận Cao nguyên QK-2. Sau này Tướng
Bá cho biết CSBV đã bỏ lỡ cơ hội bằng vàng để chiếm Kontum và có thể làm
chủ QK-2, khi đã chiếm được các căn cứ phía Bắc như Dakto và Tân Cảnh,
họ đã không tiến đánh Kontum ngay mà để hai tuần sau mới tấn công khi mà
Sư đoàn 23BB đã bố trí lực lượng phòng thủ trong và ngoài thị xã và
cuối đã thảm bại.
Khi BV mở cuộc tấn công Kontum giai đoạn 1 từ 14-5 tới 17-5, tình thế
rất nguy ngập phòng tuyến có nguy cơ sụp dổ, pháo binh ta không đủ sức
ngăn chận đà tấn công của đối phương chỉ còn trông cậy vào B-52 và rồi
các pháo đài bay B-52 đã đến đúng giờ dội bom ồ ạt xuống các vị trí tập
trung quân của địch đã cứu vãn được tình thế. Sự chiến đấu kiên cường
của quân trú phòng chưa đủ để giữ vũng phòng tuyến mà còn phải trông vào
sự yểm trợ của không lực Mỹ.
Mấy năm sau, 1975 Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá người Hùng Kontum nắm giữ Tư
Lệnh Sư đoàn 25 BB đóng tại Củ Chi, khi Bộ Tư Lệnh Sư đoàn thất thủ ,
ông bị CS bắt mấy ngày sau 30-4-1975 và bị cầm tù 13 năm tại miền Bắc,
cuối tháng 1 năm 1990 ông được định cư tại Mỹ theo diện HO1.
Trọng Ðạt
Thiếu Tướng Nguyễn văn Toàn
No comments:
Post a Comment